Rau má từ lâu đã nổi tiếng với nhiều công dụng như giải nhiệt, đẹp da, cải thiện giấc ngủ… và được sử dụng phổ biến trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, với mẹ bầu, khi lựa chọn thực phẩm trong quá trình mang thai cần phải cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy nhiều chị em cùng chung thắc mắc rằng bà bầu uống nước ép rau má được không? Nên uống làm sao cho đúng cách?
Bà bầu uống nước ép rau má được không?
Rau má là thực phẩm quen thuộc với nhiều gia đình Việt nhờ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy vậy, với phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ, do thể trạng khá nhạy cảm nên cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm để tránh các ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Vậy bà bầu uống nước ép rau má được không?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bà bầu có thể sử dụng các sản phẩm từ rau má nhưng với một mức độ vừa phải, phù hợp, không nên sử dụng thường xuyên. Nguyên nhân do sự tăng trao đổi chất và thay đổi nội tiết tố của mẹ bầu trong quá trình mang thai khiến thân nhiệt thai phụ tăng lên. Khi đó, nước rau má có tác dụng rất tốt giúp thải độc và giải nhiệt. Tuy vậy, nếu uống quá nhiều có thể gây đầy hơi, chướng bụng, nguy hiểm hơn là các cơn gò tử cung đe dọa sảy thai.
Nhiều ý kiến cho rằng uống nước rau má thường xuyên trong 3 tháng đầu có thể tăng nguy cơ sảy thai. Bởi vậy, giai đoạn này mẹ bầu phải đặc biệt chú ý nếu có nhu cầu uống nước rau má.
Tác dụng của rau má tới thai kỳ
Rau má chứa nhiều chất khoáng thiết yếu có lợi cho sức khỏe. Đối với bà bầu, rau má mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cụ thể như:
Giảm căng thẳng, mệt mỏi, lo âu
Tình trạng căng thẳng lo âu trong thời gian mang thai ngày càng phổ biến, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ ở mẹ bầu mà còn với thai nhi, nghiêm trọng có thể khiến trẻ sinh ra chậm nói, tăng động hoặc suy giảm khả năng học tập. Hoạt chất triterpenoid trong rau má có khả năng giúp cải thiện chức năng thần kinh, giúp giảm căng thẳng, lo âu, đẩy lùi các nguy cơ trên.
Lợi tiểu
Tác động của rau má đến cơ thể như một chất lợi tiểu, thúc đẩy loại bỏ lượng nước dư thừa, ngăn chặn ứ nước trong cơ thể. Đồng thời làm giảm các tình trạng bí tiểu, tiểu rắt do thai chèn vào bàng quang. Ngoài ra, uống nước ép rau má còn hỗ trợ giảm hấp thụ chất béo có hại, đưa độc tố thải trừ ra ngoài qua bàng quang, phòng ngừa nguy cơ các bệnh tim mạch.
Hạ sốt
Bản thân rau má là loại cây có tính hàn, nhờ vậy tác dụng hạ sốt và giải nhiệt của loại thực phẩm tự nhiên này có thể thấy được rõ ràng. Ngoài ra, uống nước rau má giúp bù nước và các vi chất có lợi, điều này rất là quan trọng do khi sốt, người bệnh mất nhiều nước.
Hỗ trợ đường tiêu hóa
Trong quá trình mang thai, hormone ở mẹ bầu có sự thay đổi rõ rệt nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của bào thai. Tuy vậy, nó khiến hệ tiêu hóa của mẹ hoạt động chậm lại, đào thải chất thải lâu hơn, lâu ngày làm tăng nguy cơ táo bón ở sản phụ. Nước rau má có tác dụng rất tốt giúp mẹ bầu cải thiện hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa các bệnh lý tiêu hóa như bệnh trĩ, táo bón.
Cải thiện sức khỏe làn da
Nước ép rau má chứa nhiều các chất chống oxy hóa, có khả năng hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa da. Do vậy, thi thoảng uống một cốc nước ép rau má có thể giúp bà bầu có làn da tươi sáng, tự nhiên và khỏe đẹp hơn.
Giúp giảm thời gian hồi phục vết thương
Trong nước ép rau má có chứa các hợp chất có tác dụng đẩy nhanh tốc độ hồi phục tế bào. Quá đó, việc uống nước ép rau má cũng góp phần giúp các vết thương mau lành hơn bình thường, đồng thời giúp thời gian hồi phục thương tổn cũng nhanh hơn.
Những lưu ý cho bà bầu khi sử dụng nước ép rau má
Nắm rõ được những tác dụng của nước ép rau má, thai phụ sẽ khó lòng bỏ qua được loại nước uống này. Tuy nhiên, mẹ bầu cần phải biết rằng rau má còn tiềm ẩn một số nguy cơ có hại cho thai phụ và thai nhi. Vì vậy, để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi, khi sử dụng rau má, chị em rất cần lưu ý:
- Đối với 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu không nên sử dụng nước ép rau má. Nước ép rau má tiềm ẩn nhiều rủi ro với mẹ bầu ở 3 tháng đầu như lạnh bụng, đầy hơi, khó tiêu, choáng váng, ngộ độc và đặc biệt là tăng nguy cơ sảy thai.
- Đối với những mẹ bầu có cơ địa yếu, cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
- Mẹ bầu có tiền sử sảy thai, động thai, rối loạn tiêu hóa, sức khỏe kém cũng không nên sử dụng nước ép rau má.
- Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng không nên uống nước ép rau má.
- Lựa chọn nguồn cung cấp rau má uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ. Rau má nên được sơ chế trước khi sử dụng, rửa sạch và ngâm nước muối ít nhất 30 phút là những bước sơ chế cần thiết.
- Dù cho được rửa sạch, rau má vẫn có nguy cơ tồn dư các chất hóa học, thuốc trừ sâu, vi khuẩn, mầm bệnh có nguy cơ các bệnh tiêu hóa, ngộ độc. Nên để đảm bảo an toàn, sản phụ không nên uống nước rau má sống, tốt nhất vẫn nên đun sôi trước khi sử dụng.
- Mỗi ngày, sản phụ nên chỉ sử dụng tối đa 40g rau má để ép nước, không nên uống liên tục trong nhiều ngày, như vậy dễ làm tăng lượng cholesterol và đường trong máu, nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
Rau má từ rất lâu đã được các mẹ bầu tin dùng do các công dụng đã được chứng minh có nó. Qua bài viết trên, câu hỏi “Bà bầu uống nước ép rau má được không?” dường như đã có câu trả lời. Uống nước ép rau má đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ trong quá trình mang thai, hỗ trợ quá trình mang thai dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy vậy, rau má vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ mà mẹ bầu phải lưu ý trước khi sử dụng để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Thực tế thì cơ địa và quá trình mang thai mỗi người là khác nhau, vì vậy, tốt nhất mẹ bầu vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi lựa chọn sử dụng rau má.